Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng với tốc độ nhanh vào tháng 11/2024 khi các đơn đặt hàng mới, bao gồm cả đơn đặt hàng từ nước ngoài, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất.
Nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng đại diện Bộ KHĐT cũng chỉ rõ, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 04 vấn đề lớn.
(1) Các động lực tăng trưởng mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024.
Về phía cung, khu vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định (quanh khoảng 3-4%), khó tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế chung.
Khu vực công nghiệp khó chuyển biến nhanh do phụ thuộc nhều vào thị trường thế giới, các nền kinh tế lớn.
Khu vực dịch vụ, du lịch có chuyển biến, nhưng thiếu yếu tố đột phá, cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến quốc tế, cần thúc đẩy hơn nữa để phát huy tiềm năng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng năm 2024.
Các ngành, lĩnh vực động lực mới cho tăng trưởng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chíp, bán dẫn… còn chậm, nguy cơ không bắt kịp được với các nước trên thế giới, khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy.
Doanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý; một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.
Một số bộ, ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự theo sát, đồng hành cùng doanh nghiệp; chưa coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để đồng hành tháo gỡ, hỗ trợ.
Về phía cầu, tiêu dùng trong nước 5 tháng mặc dù tăng khá, nhưng dự báo cả năm khó có thể tăng trưởng cao như năm 2023 và các năm trước dịch 2015-2019; để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng thì cần tiếp tục có chính sách mạnh hơn để khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước.
Tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn từ thị trường thế giới; áp lực cạnh tranh gia tăng; rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thương mại mới.
Doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều (nhiều nước dự kiến áp dụng từ năm 2026).
Đầu tư tư nhân phục hồi chậm; tốc độ tăng vốn FDI đăng ký có dấu hiệu giảm dần qua từng tháng, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trung và dài hạn.
(2) Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro. Dư địa điều hành lạm phát cả năm không còn nhiều (bình quân 5 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ), có những yếu tố tác động lên lạm phát rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới và tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Cung ứng điện vẫn là lo ngại lớn đối với doanh nghiệp FDI; nhu cầu sử dụng điện tái tạo của doanh nghiệp ngày càng lớn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, bảo vệ môi trường, giảm khí thải các-bon.
(3) Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã phát triển bền vững hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: tăng trưởng tín dụng; xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; nâng hạng thị trường chứng khoán…
(4) Thiên tai, dịch bệnh, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, phòng cháy, chữa cháy, tai nạn giao thông… vẫn là thách thức lớn đối với phát triển KTXH nước ta.
nhóm kết quả tích cực của nền kinh tế trong các tháng đầu năm
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh, nằm ngoài khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, tạo sức ép lớn lên tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024.
Trong khi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, xuất khẩu… mặc dù đã phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các thành phố lớn phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê ở cả các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm.
Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng đối với hàng hóa Việt Nam ở cả thị trường trong nước và quốc tế, và cả trong thu hút FDI, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới theo xu thế toàn cầu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, sản xuất chíp, bán dẫn…
"Điều này đặt ra áp lực lớn đối với các bộ, cơ quan, trong đó có Bộ KHĐT, với vị trí, vai trò là cơ quan tổng hợp, tham mưu chiến lược về phát triển KTXH, tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô", ông Tâm chia sẻ và nhấn mạnh rằng, các giải pháp, chính sách điều hành yêu cầu phải chủ động, kịp thời ứng phó với biến động của môi trường kinh tế vĩ mô bên ngoài; vừa phải thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả với các nước để không “tụt lại phía sau” trong các xu thế lớn toàn cầu.
Đồng thời, phải tập trung cải thiện các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực… giải quyết các điểm nghẽn về nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Ông Tâm cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ KHĐT đã theo sát tình hình, kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách điều hành, đóng góp chung vào các kết quả tích cực của nền kinh tế trong các tháng đầu năm, thể hiện qua 06 nhóm kết quả.
Thứ nhất, tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%) và là mức tăng trưởng cao nhất ASEAN (Việt Nam tăng 5,66%, Indonesia tăng 5,11%, Malaysia tăng 4,2%, Singapore tăng 2,7%, Thái Lan tăng 1,5%).
Các chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch, đầu tư, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… tích cực hơn qua từng tháng.
Xu hướng này cho chúng ta kỳ vọng tốc độ tăng trưởng Quý II và 6 tháng tiếp tục tích cực, dự báo có thể đạt mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,2% và 6,0%).
Thứ hai, tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng. Ví dụ như vượt thu NSTW năm 2023 cho chi đầu tư phát triển khoảng 27 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã dành khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu để phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia.
Đến nay, cả nước có khoảng 2.000 km đường cao tốc đi vào hoạt động; mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc là có thể đạt được.
Thứ ba, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. Quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.
Đặc biệt là, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn, trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sớm hơn 5 tháng so với thời điểm có hiệu lực của Luật.
Bộ KHĐT đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công; rà soát tổng thể vướng mắc trong các quy định pháp luật, nhất là về phân cấp, phân quyền để trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ.
Tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và các dự án giao thông đường bộ, để trình cấp có thẩm quyền mở rộng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai tại một số địa phương để xem xét, trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng tại các địa phương khác.
Việc triển khai hiệu quả các chính sách này kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thứ tư, công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt là, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành toàn bộ 6/6 quy hoạch vùng; tổ chức các Hội nghị điều phối vùng, Hội nghị của các địa phương để công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư. Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của cả nước, tạo động lực tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thứ năm, nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Số vốn FDI thực hiện 5 tháng đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu tiếp tục đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Thứ sáu, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghiệp chíp, bán dẫn… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) ngày càng phát huy hiệu quả là cầu nối cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên cả nước.
Cuối tháng 5, Bộ KHĐT đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đào tạo Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.