Is your network connection unstable or browser outdated?
Xóa ngộ nhận về Liêu trai chí dị
Năm 2006, học giả Lý Việt Dũng được Nhà xuất bản Phương Đông cho ra mắt công chúng một công trình biên khảo mà ông hết sức tâm đắc. Đó là Nghiên cứu chuyên sâu và 383 câu hỏi tri thức Liêu Trai.
Đối với Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh – một tác phẩm văn học thuộc loại thần kỳ của Trung Quốc ra đời cách nay 200 năm, được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới như: Việt Nam, Anh, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhỉ Kỳ… học giả Lê Việt Dũng có niềm say mê đặc biệt. Ông cho biết, đầu tiên ông đọc Liêu trai qua bản dịch của Tản Đà đã cảm thấy thích thú vô cùng nên phát tâm nghiên cứu sâu về tác phẩm nầy.
Được một người bạn là fan của Bồ Tùng Linh tặng cho bộ sách Tường chú Liêu trai chí dị do Lã Trạm Ân chú giải, đọc xong Lý Việt Dũng càng mê nên đọc trọn bộ Liêu trai chí dị nguyên bản gồm 16 quyển với 431 truyện mà Bồ Tùng Linh đã dành đến thời gian 50 năm để hoàn thành. Đọc rồi dịch. Lý Việt Dũng tâm sự: “Chính Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh ra đời vào đầu nhà Thanh (cuối thế kỷ 17) mới là tác phẩm đầu tiên mà tôi tâm đắc, mãi đến giờ vẩn còn tâm đắc. Tôi đã bỏ thời gian, công sức từ thuở thiếu niên đến bạc đầu để nghiên cứu chuyên sâu và dịch trọn bộ Liêu trai… Tôi cảm thấy rất đau buồn vì một tác phẩm vỉ đại như Liêu trai đã bị người đời hiểu sai, dịch bậy. Bao nhiêu dịch giả ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã dịch hỏng hoàn toàn tác phẩm nầy, ngay cả chính người Trung Quốc khi dịch sang Bạch thoại cũng còn rất nhiều va vấp. Tôi đã bỏ công cả đời để đọc hầu hết các bản dịch trong nước và thế giới rồi ra công chú giải, đính chính những chỗ sai nhầm nặng nề không thể chấp nhận được”.
Học giả Lý Việt Dũng còn cho rằng: “Không như nhiều người lầm tưởng, do không nghiên cứu chuyên sâu nên chỉ cho rằng sách toàn nói chuyện hoang đường yêu mị, họ không biết rằng 1/3 số truyện trong Liêu trai chí dị thấm đượm lý nhân duyên, luật nhân quả, hoằng dương sâu đậm Phật lý qua những câu chuyện đời thường”.
Mê Liêu trai chí dị và đã dịch xong trọn bộ sách này nhưng chưa được xuất bản, ông Lý Việt Dũng lại cất công biên soạn quyển Phật lý qua Liêu trai; trong đó có tuyển dịch 50 truyện Liêu trai chí dị thấm đượm giáo lý nhà Phật kèm lời bình của Đại sư Thích Viên Minh.
Được biết, hơn mười năm trước đây, một học giả Đài Loan có hợp tác với ông Lý Việt Dũng để dịch Đại tạng kinh sang tiếng Hán. Công việc được khoảng 10% thì ông ngã bệnh nặng, không thể tiếp tục công việc. Đến nay, phía Đài Loan vẫn chưa hoàn thành công trình này do thiếu người có đủ năng lực. Riêng bộ Thiền sử Ngũ đăng hội minh gồm 20 quyển đã được học giả Lý Việt Dũng dịch đến quyển 12 thì ngã bệnh đang được giao cho đại đệ tử của ông là Đặng Hửu Trí tiếp tục công trình. “Truyền nhân” Đặng Hữu Trí sinh ra trong một gia đình Công giáo dòng, tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế TPHCM, lại học thêm khoa Đông phương học ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Theo học tiếng Hán, đặc biệt là môn cổ văn Phật giáo với thầy Lý Việt Dũng, Đặng Hữu Trí đi sâu vào nghiên cứu các tông phái Phật giáo rồi say mê Thiền và “hoác nhiên… tiểu ngộ” nên chuyên tâm vào công tác dịch thuật. Trí đã dịch Tâm kinh giảng lục và Đại thừa tuyệt đối luận của Thiền sư Nguyệt Khê Tâm Viên (đã xuất bản), Pháp môn tu hành của Thiền tông, Hiển tông ký giảng lục, Kim Cang kinh thích yếu, Viên giác kinh chú sớ.
Học giả Lý Việt Dũng còn được biết đến với tư cách một nhà khảo cứu và đã xác nhận các chữ trên bia mộ thân sinh Tả quân Lê Văn Duyệt đã bị vua Minh Mạng cho đục bỏ. Ông cũng là người tham gia hợp soạn cuốn từ điển Anh Việt với 530.000 tập từ.
Sinh năm 1939 ở Bạc Liêu, Lý Việt Dũng vốn là giáo viên tiểu học rồi chuyển ngạch trở thành “giáo sư” trung học, ghi danh học Đại học Văn khoa Sài Gòn, làm giám đốc nhà máy gạch; tự học thông thạo tiếng Anh, Pháp, Hoa… Sau năm 1975, sống với nghề chài lưới rồi trở lại làm công nhân ngay tại nhà máy ông từng làm giám đốc; sau đó làm cho công ty xuất nhập khẩu Cimexcol Minh Hải đóng ở TPHCM.
Khi công ty này giải thể, ông quay trở lại nghề đánh bắt cá. Và rồi với cái vốn Hoa văn thâm hậu cùng những thành tựu trong việc nghiên cứu, dịch thuật kinh điển Phật giáo, ông Lý Việt Dũng đã quay lại nghề dạy học, có thời gian dài ông còn được giao phụ trách lớp Gia giáo chuyên luyện dịch Hán tạng, được các học giả An Chi và Đào Nguyên đánh giá cao cả về kiến thức chuyên môn lẫn phương pháp đào tạo.
Học giả Lý Việt Dũng cho rằng thành công của ông phần lớn là do tự học. Vốn là người Việt gốc Hoa, lại được cha là cụ Lý Khi – một nhạc sĩ ở Bạc Liêu có ngón đờn kìm vang danh một thời và thuộc lớp đàn anh của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tác giả bản Dạ cổ hoài lang) khuyến khích học chữ Hán từ nhỏ nên việc học chữ Hán của ông Dũng thật dễ dàng. Ông có năng khiếu đặc biệt là chuyên học từ điển. Lúc đầu là học các loại từ điển Hán Việt, sau đó đến các loại từ điển chuyên dụng và chuyên ngành như: Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Phật Quang đại từ điển, Từ điển Hán Việt Thiền tông…
Học giả Lý Việt Dũng còn hóm hỉnh mượn lời Hòa thượng Thích Phước Sơn cho là ông thuộc loại huân tu từ kiếp trước, nên kiếp này… “vô sư tự ngộ”, bẩm sinh đã nắm rõ thiền lý. Nhưng ông lại cho rằng bên cạnh những gì bẩm thụ, ông vẩn luôn tự ý thức, cần cù, nhẫn nại, bỏ ra nhiều công sức và thời gian để nghiên đọc rất nhiều kinh sách Phật học cũng như sách vở liên quan.
Học giả Lý Việt Dũng cũng đã tiết lộ phương pháp nghiên cứu và dịch thuật Thiền học đạt năng suất cao và thành công của ông là: “Trước hết phải đọc thật nhiều tác phẩm để nắm cho được thuật ngữ chuyên môn và phải đạt cho được trình độ kiến giải về Thiền hoặc triệt ngộ tâm nguyên, nhưng không để vướng mắc vào văn ngôn, ngữ cú.
Kinh nghiệm bản thân tôi là muốn dịch đạt được tín, nhã, đạt, phải học chuyên sâu chữ Hán, đọc, nghiên cứu nhiều, đồng thời nên tham gia giảng dạy để thu thập thêm kiến thức; đặc biệt là phải trang bị thêm tiếng Anh, Pháp để tham khảo các tác phẩm loại nầy. Theo tôi, phương pháp nghiên cứu của học giả phương Tây cụ thể và hiệu quả hơn Việt Nam chúng ta. Muốn phát triển lâu dài, bền vững, chúng ta phải học chuyên sâu, tức là muốn nghiên cứu lĩnh vực nào, trước hết phải học chuyên sâu lỉnh vực đó!”.Bùi Thuậnhttps://doanhnhanplus.vn/ly-viet-dung-mot-hoc-gia-vo-su-tu-ngo-509372.html
Vì một cộng đồng, một văn hóa đọc
Thành phố cảng này vẫn luôn là một thành phố tuyệt vời – một ngã tư nơi Bắc Phi gặp gỡ châu Âu, và nơi Địa Trung Hải gặp Biển Đại Tây Dương. Đây cũng là nơi pha trộn giữa chủ nghĩa khoái lạc và lịch sử. Nhưng trong khi sự cổ kính và vị trí tuyệt vời còn đó, thì những thế hệ nghệ sĩ mới lại đang mang lại cho thành phố này một sức sống mới.
Những năm đầu sau chiến tranh thế giới thứ 2, khi Tangier vẫn chỉ là một khu vực quốc tế xét theo góc độ địa chính trị, những bờ biển gồ ghề ở nơi đây đã trở thành một nơi dừng chân lý tưởng cho những nhà thám hiểm, những doanh nhân bận rộn, những người chống chủ nghĩa xã hội lưu vong hay những người nước ngoài thích khám phá những điều khác lạ. Đây là nơi nhà văn William S. Burroughs viết phần lớn tác phẩm nổi tiếng “Naked Lunch” - mà trong năm tới sẽ kỷ niệm 50 năm ngày ra đời tác phẩm này. Tangier cũng là nơi tạo nguồn cảm hứng cho nhà văn Bowles hoàn thành tác phẩm “The Shelter Sky” – một trong những tiểu thuyết đương đại xuất sắc nhất.
Và ngay mới thập kỷ trước, Tangier vẫn được coi là một thành phố hoang sơ ngập trong buôn lậu và tệ nạn. Nhưng khi điều này đã dần bị lãng quên theo năm tháng thì một thành phố Tangier mới đang hình thành cùng với sự đầu tư mạnh từ phía hoàng gia và cộng đồng nghệ sĩ có tiền. Đến nay đã có một số công trình kiến trúc đẹp ra đời như quán “40s Cinémathèque de Tanger và những café thu hút những khách hàng sành điệu.
Sự phục hưng mà Tangier có được trong thời gian qua chủ yếu là do vị vua trẻ 45 tuổi của vương quốc này – vua Mohamed IV. Không giống như người cha của mình - Vua Hassan II, người đã làm đất nước suy vong sau 38 năm trị vì, Mohamed IV là một vị vua đầy nhiệt huyết.
Thay vì coi Tangier như một đô thị không có tiềm năng phát triển, thì vị vua trẻ này nhìn thấy đây chính là trung tâm giao thoa văn hóa cũng như thương mại giữa châu Phi và châu Âu. Ông cũng đã mạnh dạn giao cho Mohamed Hassad – một nhà chính trị có khả năng nhìn xa trông rộng nổi tiếng với việc đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố Marrakesh, giữ chức thị trưởng thành phố Tangier.
Trong cuốn tự truyện, Bowles đã miêu tả Tangier là một vùng đất trù phú với những phong cảnh đẹp nguyên sơ như trong mơ, những dãy phố êm đềm như những dãy hành lang thẳng tắp, những bậc thềm cao ẩn lấp nằm bên trên biển và những con phố tĩnh mịch về đêm chỉ có tiếng bước chân... Và đêm đến, những chiếc đèn lồng được treo trên những cửa hàng, khiến cho thành phố trở nên đẹp lỗng lẫy như trong truyện cổ tích. Tất cả đã biến Tangier trở thành một điểm đến lãng mạn và lý tưởng, không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận dành cho giới nghệ sĩ mà còn là điểm đến cho những ai muốn khám phá sự kỳ diệu của thành phố này.